“Bản lề” nào cho nghĩa vụ cung cấp thông tin về tài sản thi hành án?

“Bản lề” nào cho nghĩa vụ cung cấp thông tin về tài sản thi hành án?

Ai cũng biết bảo mật thông tin tài sản là quan trọng cho tới khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan thi hành án (CQTHA). Họ ngỡ ngàng vì … không biết bắt đầu từ đâu? Không biết đâu là giới hạn trách nhiệm của mình? Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về trách nhiệm cung cấp thông tin tài sản thi hành án.

Chủ thể và thời gian cung cấp thông tin tài sản thi hành án

Theo quy định pháp luật, các chủ thể phải cung cấp và chịu trách nhiệm về thông tin liên quan đến tài sản thi hành án khi có yêu cầu của chấp hành viên, CQTHA là:

  • Người phải thi hành án;
  • Cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp – hộ tịch, địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác;
  • Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án.

Việc cung cấp thông tin này có thời hạn từ 03 – 05 ngày làm việc, hoặc phải cung cấp ngay nếu là thông tin về tài khoản. Trừ trường hợp gặp sự kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc sự kiện khách quan khiến chủ thể trên không thể biết hay lực bất tòng tâm khi thực hiện trách nhiệm của mình.

Chủ thể từ chối cung cấp thông tin phải trả lời bằng văn bản (nêu rõ lý do). Trong trường hợp không cung cấp vì lý do không chính đáng hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, cơ quan, tổ chức, cá nhân trên có thể bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng, thậm chí 5 – 10 triệu đồng. Và nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Đặc điểm, mức độ thông tin về tài sản phải cung cấp

Việc người được thi hành án phải “đơn thương độc mã” tìm hiểu thông tin tài sản của người phải thi hành án chẳng khác nào đang đánh đố họ. Do đó, pháp luật cho phép họ có thể nhờ CQTHA, người có chuyên môn, nghiệp vụ làm việc này.

Tuy nhiên, dù tự xác minh hay cầu viện công quyền, những thông tin sau đây về tài sản của người phải thi hành án là không thể thiếu:

  • Tiền: cần xác định loại tiền tệ (có thể liên quan quy định ngoại hối) cũng như nguồn gốc, tình trạng (tiền lương, tiền công, thu nhập hay đang cho vay, mượn). Đặc biệt, tài khoản ngân hàng là thông tin chắc chắn phải nắm lấy vì dễ xác minh và đánh giá hơn cả. Ngoài ra, cần xác minh những người phụ thuộc của họ, bởi nghĩa vụ cấp dưỡng được ưu tiên thực hiện.
  • Động sản phải đăng ký quyền sở hữu (ô tô, tàu thuyền, xe máy…): cần nắm rõ ai đang chiếm hữu, sử dụng để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ. Những thông tin về hợp đồng mua bán, chuyển đổi hoặc tặng cho (nếu có) cũng cần được ưu tiên tìm hiểu.
  •  Quyền sử dụng đất: điều quan trọng nhất là xác định nguồn gốc (đất cấp hay đất mua). Để xác minh, có thể thông qua chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc người làm chứng như người bán.

Đối với đất cấp, thông tin sổ đỏ và tranh chấp (nếu có) mang đầy sức nặng để khẳng định đất “sạch” và không vướng mắc. Đối với đất mua, mọi thông tin về hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, sổ đỏ, tranh chấp (nếu có) là không thể thiếu.

Tuy nhiên, nếu đây là đất thuộc sở hữu chung thì cần xác định rõ phần đất của người phải thi hành án. Và việc thông báo cho các đồng sở hữu là cần thiết, nhằm bảo đảm kê biên, đấu giá diễn ra suôn sẻ.

Đặc biệt, kiểm tra nguồn gốc đất mua thông qua đấu giá hoặc với người có quyền sử dụng được xác nhận bởi bản án, quyết định của Tòa án hay không là điểm cần lưu ý, nhằm bảo đảm quyền sử dụng hợp pháp và khả năng thi hành án bằng tài sản đó.

Bảo mật thông tin tài sản của người phải thi hành án

Đối với người phải thi hành án, tâm lý bất an là dễ hiểu khi phải cung cấp thông tin tài sản “đi liền khúc ruột” của mình. Tuy nhiên, quy định của Nghị định 62/2015/NĐ-CP (Nghị định 62) đã khiến họ “an tâm” hơn phần nào.

Nghị định 62 yêu cầu chấp hành viên, CQTHA, ngân hàng,… phải cẩn trọng cao độ và bảo mật cao đối với thông tin nhạy cảm (tài khoản, tài sản,…) của người phải thi hành án. Nếu để lộ hoặc sử dụng không đúng mục đích thì các cá nhân, tổ chức này phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại phát sinh. Đồng thời, đương sự có quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường để bảo vệ quyền lợi của mình nếu phát hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Nắm rõ quy định pháp luật, cá nhân, tổ chức liên quan sẽ bớt lúng túng, lao đao về trách nhiệm của mình, cũng như có được câu trả lời chính xác hơn khi được yêu cầu cung cấp thông tin. Điều này góp phần đảm bảo bản án được thi hành nghiêm minh, phù hợp quyền lợi của đương sự.

Diễm Hà (Thiên An)