Một số biện pháp pháp lý đối với bên vi phạm hợp đồng

Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của luật. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. 

Theo quy định của pháp luật, một số biện pháp xử lý mà bên có quyền có thể sử dụng để áp dụng đối với bên có nghĩa vụ gồm:

1. Buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng

Buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh (khoản 1 Điều 297 của Luật Thương mại 2005). Ví dụ: Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp nghĩa vụ giao vật đặc định không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đúng vật đó…

Biện pháp xử lý này có thể được áp dụng kết hợp với chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm (khoản 1 Điều 299 Luật thương mại 2005).

2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại

Việc vi phạm hợp đồng thường làm phát sinh thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố (Điều 303 Luật Thương mại 2005): (i) có hành vi vi phạm hợp đồng; (ii) có thiệt hại thực tế; (iii) hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

3. Yêu cầu trả lãi chậm thanh toán

Căn cứ Điều 357 BLDS 2015 và Điều 306 Luật Thương mại 2005 cho thấy lãi chậm trả phát sinh thậm chí khi các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận, các bên có quyền hưởng lãi chậm trả mà không yêu cầu chứng minh có thiệt hại xảy ra.

Mức lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật dân sự được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá 20%/năm, nếu không có thỏa thuận thì mức lãi suất là 10%/năm (Điều 468 BLDS 2015).

Mức lãi suất chậm trả trong pháp luật thương mại được xác định theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả (Điều 306 Luật Thương mại 2005). Theo Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thông Việt Nam) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tòa án đang giải quyết tranh chấp.

4. Đơn phương chấm dứt (đình chỉ), hủy bỏ hợp đồng

Theo Luật Thương mại 2005 thì đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng; (ii) một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ của hợp đồng (Điều 310). 

Chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau: (i) xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; (ii) một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng (Điều 312 Luật Thương mại 2005).

BLDS 2015 cũng cho phép đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (khoản 1 Điều 428). Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong các trường hợp (i) bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận; (ii) bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng; (iii) trường hợp khác do luật quy định (khoản 1 Điều 423). Ở đây, vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

Giữa đơn phương chấm dứt và hủy bỏ hợp đồng có khác nhau về phần nghĩa vụ đối với giai đoạn trước khi chấm dứt hợp đồng. Đối với đơn phương chấm dứt hợp đồng, bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện (khoản 3 Điều 428 BLDS 2015).  Tương tự, khoản 1 Điều 311 Luật Thương mại 2005 cũng quy định bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Như vậy, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phần trước đây của hợp đồng vẫn có giá trị ràng buộc các bên.

Ngược lại, khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (Điều 427 BLDS 2015, Điều 314 Luật thương mại 2005).

Trên đây là một số chế tài tiêu biểu mà bên bị vi phạm trong hợp đồng có quyền áp dụng đối với bên có nghĩa vụ nếu bên có nghĩa vụ vi phạm hợp đồng (không thực hiện đúng hợp đồng).